Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Thơ chiều _ YÊU (Nịnh chồng)

Thôi chàng đừng có dọa hù em
Bởi có mấy khi thiếp ... tin chàng (*)
Một tay thương vợ, hay nấu nướng
Đến bữa vợ chỉ xuýt xoa khen.

(*): Chàng thường phỉnh em: món ăn mặn

(9/5/2012)

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Nỗi niềm đánh giặc

Có những loại giặc ta có thể đương đầu, đánh bại được nó. Chẳng hạn, hôm nay ta đã đánh thắng giặc ... đói một cách tưng bừng, giòn giã. Xong cuộc chiến, ta mệt đến mức chỉ muốn nằm khểnh ra thôi. Thằng giặc dốt, hôm nay ... chưa thấy nó ... mò đến. Nếu nó đến, ta cũng sẽ kiên quyết đánh bại nó cho bõ ghét nhưng còn một loại "giặc" ta chẳng muốn chiến đấu với nó, chẳng muốn tiếp xúc với nó ấy là "giặt đồ". Huhu, nhưng chúng đã tẩm ngẩm tầm ngầm trú ngụ ở nhà ta 02 ngày đêm rồi nên hôm nay, dù không muốn ta vẫn phải nai tấm thân mỏng manh, yếu ớt, gầy gò để tiêu diệt chúng. Kết quả, ta cũng đã thắng chúng khi ngày mới được bắt đầu bằng những phút đầu tiên, nhưng vật vã lắm, vì chúa tể của chúng có lắm kế, nhiều trò nên chúng bày ra những ngóc ngách, những mương rãnh, những đồi núi "nhấp nhô trập trùng", đôi khi chúng lại "ru" ta bằng những chiếc nơ hoa gắn hờ hững trên những sào huyệt mà nếu chủ quan bỏ qua, ta có thể mắc mưu kế thâm hiểm và chúng sẽ càng ngày càng ma quái trong khi ta - thân gái một mình - lại phải đánh chúng trong đêm với đôi bàn tay yếu ớt, gân guốc và vũ khí của ta chỉ là một chiếc bàn chải nhỏ nhắn, xinh xinh nằm gọn trong lòng bàn tay, chút bột OMO trắng xanh pha lẫn và ý chí quyết thắng. Nói thật, chơi tay không đánh giặc kiểu này dẫu thắng đấy nhưng ta mệt oải người và tất nhiên là ta chẳng thích đương đầu với chúng.

Ghét những thằng giặc trắng tinh ngụy trang bằng những bộ đồ đồng phục trắng - xanh.
Ghét những thằng giặc ngụy trang bằng những chiếc áo sơ mi lịch lãm.
Ghét những thằng giặc xăng pha nhớt.
Ghét những con giặc được ngụy trang với vẻ điệu đà nơ, nút linh tinh.

Ghét! Chán! Nản, nhưng không được phép buông xuôi với loại giặc này bởi chúng là loại vi khuẩn luôn luôn sinh sôi, nảy nở, vì vừa đánh thắng trận này thì ngày hôm sau nó đã lấp ló có mặt trêu ngươi ta. Vì vậy, ta xác định, đánh bọn chúng là một cuộc chiến trường kỳ. Cuộc chiến chỉ có thể thành công khi ta chấp nhận không đội trời chung với chúng, nhưng ta thì không thể. 

Haizzz

8-2013

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Hạnh phúc ngày trở về

Wednesday, September 29, 2010 5:02:39 AM

Chuyến công tác XH ở huyện Sơn Tây đã để lại cho mình nhiều cảm xúc, thương cảm và buồn vì thấy cuộc sống của đồng bào mình quá khó khăn, vất vả; vui vì có thêm người em bạn; và cả những cảm giác sợ hãi, lo lắng, bất an không những cho riêng mình mà cho cả những người cùng đồng hành trong chuyến đi của thứ 6 ngày 13 ấy.

Nhưng rồi, tất cả cũng đã qua. Ai cũng về được tới nhà an toàn dẫu đêm ngày 13 là một đêm kinh hoàng của một số người trong đoàn khi có người, xe suýt bị nước cuốn trôi khi đi qua dòng suối chảy siết, rồi những "hòn đá to, hòn đá nhỏ" từ trên núi ào ào đổ xuống. Hết vượt qua được dòng suối chảy siết như muốn cuốn phăng đi tất cả thì lại phải chạy tránh đất, đá từ trên núi đổ xuống trong đêm khuya (>21giờ) với chiếc pin cầm tay.

Sáng hôm sau gặp nhau ai cũng cười vui và nhiều người trong chuyến đi hôm ấy nói:"đây là chuyến đi lịch sử, cả đời chẳng thể nào quên" .

Uh, có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên được đâu dẫu mình không phải là người vượt suối, chạy "đá" trong đêm bởi do 5 người cùng đi chung chiếc xe với mình "quá sợ" khi thấy nước từ trên núi chảy xuống ào ào cùng đất và đá (lúc thấy chỉ là in ít những hòn đá nhỏ nhỏ như ... nồi cơm điện thôi và nhìn đi nhìn lại nhìn mãi sao cứ thấy chiếc xe IFA như to hơn con đường. Thế là quyết định dừng, quay xe lại và đó là quyết định sáng suốt nhất của cả nhóm.

Tạm biệt Sơn Long heo hút với những ngọn đồi (mượn lời cô em cùng đi trong đoàn), chúng tôi về miền xuôi nhé















Thứ 6 ngày 13. Hành trình theo bước chân tình nguyện và hồi tưởng về những chuyến công tác xã hội ở huyện miền núi Sơn Tây.

Thursday, August 19, 2010 10:22:32 AM

Hôm ấy là buổi sáng đẹp trời. Tôi dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị quần áo cho chồng, con và háo hức chuẩn bị tham gia cuộc hành trình về với vùng cao trong một chuyến đi đầy ý nghĩa, trao nhà nhân ái cho đoàn viên thanh niên nghèo của xã, khám bệnh cho đồng bào xã Sơn Long - một xã nghèo, mới được tách từ xã Sơn Dung thuộc huyện miền núi Sơn Tây, huyện giáp ranh với tỉnh Kon Tum và tặng quà cho 30 hộ gia đình nghèo của xã.[/COLOR]

Đoàn quân gồm 15 đoàn viên, thanh niên là những bác sĩ, cán bộ đoàn và những đoàn viên ở các đơn vị trực thuộc xuất phát sớm hơn tôi dự kiến. Dù dậy sớm để chuẩn bị cho chuyến đi nhưng tôi lại chủ quan cứ nghĩ đoàn viên thì giờ lúc nào cũng cao su nhưng chỉ biết giãn chứ không biết "co" như những lần tôi tham gia cùng đoàn, thế nên lệnh xuất phát là 6 giờ đúng thì 6 giờ kém 7 phút tôi mới từ nhà đi vì nhà tôi khá gần chỗ tập kết, buổi sáng đường vắng, không "bay" thì cũng chỉ khoảng 4 phút là tới nơi nên tôi mới lững thững và chậm chạp đến vậy.

Tôi hành quân với lỉnh kỉnh quà, quà tôi mua tặng riêng cho 01 gia đình được tặng nhà nhân ái, chỉ một suất quà thôi nhưng phải hai thùng và một ít bánh đem thêm, toàn bánh sôcôla để phát cùng với số bánh kẹo tôi đã mua để tặng cho các em hôm trước đấy và đã chở đến trước cho Đoàn (Số bánh đem thêm là số bánh tôi mua để qua thăm các em nhỏ ở Cô Nhi viện nhưng tôi lại chưa đi được, vì tôi chỉ rảnh mỗi ngày thứ 7 nhưng thứ 7 ngày 14 thì tôi lại còn ở Sơn Tây nên tôi ngắt phần quà của các em ở Cô Nhi viện để tặng cho các em nhỏ là người dân tộc ở xã Sơn Long).

Rời nhà, tôi vừa thong dong đi, vừa nghĩ ngợi đến những khuôn mặt rạng rỡ, háo hức của các em khi được nhận quà bánh, tôi lại nghĩ đến chuyến đi tình nguyện năm 2007, năm 2008 mà tôi từng tham gia.

Năm 2007, lần đầu tiên tôi được tham gia chuyến đi đầy ý nghĩa là khám bệnh, cấp phát thuốc cho người nghèo tại xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây và được cùng đốt lửa trại, giao lưu với đoàn viên, thanh niên xã. Đêm đó, tôi đã tham gia vui cùng các thanh niên, đồng bào ở xã mà chủ yếu là người dân tộc. Quanh lửa trại, tiếng cồng chiêng, tiếng hò reo của những chàng trai cô gái người Cà Dong, sự háo hức, hoà mình của những chàng trai cô gái vùng đồng bằng. Những chiếc áo xanh màu tình nguyện hoà lẫn trong những sắc màu nhàu nhĩ, cũ kỹ đến bạc thếch và những hoa văn sặc sỡ trong bộ đồ truyền thống của những chàng trai, cô gái người Cà Dong. Những cái nắm, siết chặt tay nhau, những tiếng reo hò quanh đống lửa bập bùng, tí tách, người Kinh, người Cà Dong cùng nhau hết mình, vui say trong bầu chung của tình nhân ái, tình đoàn kết, tình anh em.

Rồi trời mưa, chỉ lất phất thôi nhưng lại dai dẳng nên cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động ngoài trời, thế là chúng tôi chuyển vào hội trường của xã. Hội trường không rộng nhưng cũng đủ để cho chúng tôi sinh hoạt, giao lưu với nhau. Người Kinh, người Cà Dong cùng nhau hát hò, lúc đầu khi lên sân khấu hát người Cà Dong còn rụt rè, bẽn lẽn (không như hoạt động ngoài trời, họ hết mình, say sưa nhảy múa quanh ánh lửa với tiếng Cồng chiêng, với tiếng hò reo) nhưng sau họ đã mạnh dạn hơn và một số người phấn khích cũng ào lên sân khấu nhảy nhót với những điệu nhảy của núi rừng.

Tôi đang đắm chìm trong không khí ấy thì một người đàn ông Cà Dong - người đang khuấy động Hội trường với những điệu nhảy của núi rừng và của một người say, say rượu và say với không khí rộn ràng, tưng bừng như ngày Hội của làng đã đến nắm tay tôi kéo tôi ra sân khấu và nhảy cùng. Tôi cũng đã hết mình trong những điệu nhảy ấy, dẫu vui, dẫu cười rất tươi nhưng nói thật lòng cái mùi mồ hôi, mùi áo, mùi tóc bốc ra từ người đàn ông ấy tưởng chừng như cả tháng trời không tắm chẳng dễ chịu chút nào nhưng việc một cô gái trẻ trung trong Đoàn tình nguyện ra nhảy cùng với người đồng bào trong áo quần xốc xếch, nhem nhuốc (nếu không nói là bẩn quá mức tưởng tượng), đầu tóc như bết dính vào nhau, tay chân thì nhem nhuốc, đen đúa và bàn chân đầy bùn đất đã làm cho không khí của đêm hôm ấy thật sôi nổi và điều đó cũng phần nào xoá đi cái khoảng cách, cái ranh giới ... ngượng ngùng và mặc cảm của người Thượng với người Kinh và cũng có thể là một điều gì đó hơn cả thế.

Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn nhưng đêm ấy, tôi đã thức đến 2 giờ sáng để cùng ngồi lại vui với đồng bào trong tiếng hát ca và trong những cuộc nói chuyện giao lưu và chia sẻ ...

Rồi bọn con gái chúng tôi cũng phải chia tay với các anh em trong Đoàn, với những chàng trai, cô gái người Ca Dong và cả một số em bé tại xã để ra xe, ngủ cong queo, co ro trên những chiếc ghế của xe ô tô.

Đợt đó về tôi đã bị những đôi mắt đen tròn xoe, những đôi mắt ngơ ngác, háo hức, lạ lẫm với những hoạt động của chúng tôi ám ảnh tôi. Không phải chúng ám ảnh tôi về điều gì nhưng chính tôi đã thả hồn, đã để mình bị ám ảnh để rồi tự tôi đã hứa, lần sau, nếu được tham gia các hoạt động như thế này nữa thì tôi nhất định sẽ mua quà bánh để tặng các em trong đếm giao lưu. Với tôi, sẽ là vui và trọn vẹn lắm nếu đêm giao lưu có quà bánh cho các em bởi với trẻ con vùng cao mà đại đa số là con em người dân tộc thì cái bánh, cái kẹo không phải của con nhà giàu dưới vùng xuôi thì cũng là một cái bánh ngon, là món ăn xa xỉ của trẻ em trên đấy thế là tôi tự hứa và không cho phép mình quên lời hứa ấy.

Năm tháng trôi qua, rồi tháng 7 lại về. Năm 2008, khi còn làm công tác Đoàn, tôi đã tiếc hùi hụi khi có bầu Kitty, không tham gia cùng Đoàn trong chuyến đi "Nghĩa tình miền núi - Hải đảo", cũng là một hoạt động về với huyện miền núi Sơn Tây. Tôi tiếc vì sẽ không được tham gia những hoạt động có ý nghĩa và tiếc vì lời hứa của mình năm nào sẽ không được chính tay mình thực hiện trao quà bánh cho các em, được ngắm nhìn các em trong niềm vui, trong sự háo hức và cả hạnh phúc khi nhận được quà.

Dẫu không đi cùng Đoàn, dẫu không trực tiếp phát quà cho các em nhưng lời hứa năm nào đã được tôi thực hiện. Tôi đã mua một thùng bánh kẹo khá to và phải nói là nhiều, rất nhiều rồi nhờ chị cùng cơ quan với tôi chở xuống cho Đoàn. Nhìn thùng bánh khá to với cái bụng lùm lùm của tôi ai cũng ngạc nhiên vì thùng bánh to hơn họ nghĩ và về sự "nhiệt tình" của tôi dẫu tôi đã nói trước với họ là tôi sẽ có qùa cho các em.

Tôi không đi được vì bầu bì nên chỉ ở nhà ngóng chờ tin tức. Đoàn đi về, nhiều người đã nói với tôi rằng, bánh kẹo tôi mua cho các em đã vô cùng có một ý nghĩa trong chuyến công tác đấy và nhiều người "khen" tôi và có lẽ cũng có người thắc mắc về tôi nữa. Tôi vui không phải vì được khen nhưng tôi vui vì món quà nhỏ của mình đã mang đến niềm vui cho các em.

Năm 2009, khi trong thời gian thai sản, Đoàn cũng đã tổ chức những hoạt động ý nghĩa như vậy nhưng tôi không biết và lẽ dĩ nhiên là tôi không tham gia được hoạt động ý nghĩa này vì con quá nhỏ.

Năm 2010, là năm nay, vào chính cái ngày 13, thứ 6 tôi đã cùng với Đoàn tham gia chuyến công tác xã hội về với vùng cao cũng với chủ đề "Nghĩa tình Miền núi - Hải đảo".
(Còn nữa )

Tết Trung thu - Tết của yêu thương

Mình vừa nhận được cuộc điện thoại của Hội NNCĐDC thành phố. Hồi sáng mình nói để mình gọi nhưng mãi ... 888 thành ra chưa gọi được . Chiều định gọi thì đã nhận được cuộc điện thoại của các cô rồi.

Sở dĩ các cô gọi điện cho mình là vì mình đã hứa với Hội và vì các cô biết tâm nguyện của mình. Hôm 1/6, mình định tổ chức Tết Thiếu nhi cho các em nhưng các cô lại nói không tổ chức mà các cô ... để dành cho Tết Trung thu. Vậy là mình hứa, Tết Trung thu mình sẽ tổ chức cho các em. 

Mình đã tình nguyện ủng hộ 1 tháng lương của mình cho các em.

Chủ nhật này mình sẽ đến với các em, với tình yêu thương, sự đồng cảm và chia sẻ...

Tết Trung thu này, với mình, sẽ là Tết của những thương yêu!

(Tết Thiếu nhi vừa qua, mình đã tổ chức cho các em bé mồ côi ở Chùa với những món quà rất nhỏ nhưng thiết thực đối với các em. Lần đấy, lần đầu tiên trong đời, các em mới được vui chơi và nhận quà trong một cái Tết dành cho thiếu nhi, với những nụ cười rạng rỡ khi nhận quà, những tiếng cười giòn tan khi tham gia các trò chơi do mình tổ chức ... Vui và ấm áp lắm! )


CN-06/9/2010

Mình dại trai quá! :(

Quả thật mình đã rất dại trai! Nói ra điều này không biết mọi người nghĩ thế nào nhưng thú thật đến giờ mình cũng vẫn không thể tin được mình đã ... làm thế với một người đàn ông. Mình cũng đã 2 con, 1 chồng, lại vừa bước sang tuổi băm, cũng không còn trẻ trung, xinh đẹp như những cô nàng 18, đôi mươi. Thế mà mình đã ...

Tất cả số tiền mình dành dụm được bấy lâu nay, (ngoài để dành làm "chuyện linh tinh" như mình vẫn thường làm và mua sắm cho riêng mình những gì mình thích) mình đã dành hết cho người đàn ông ấy. Số tiền thật ra không nhiều nhưng ...

Trước ngày Valentine, vì muốn tặng anh ấy món quà bất ngờ mà mình đã ... Khi bên anh ấy mình nói rằng mình thích anh nắm tay mình trong những lúc mình buồn, vui hay đôi khi mình chẳng có tâm trạng gì cả. Tóm lại là mình thích được bàn tay anh ấy lồng vào những ngón tay của mình khi chúng mình bên nhau. Và những ngày trước Valentine đó, khi có điều kiện được ở bên nhau, mình đã luôn luôn nắm lấy tay anh, hôn lên những ngón tay của anh và đan tay mình vào tay anh. Mình đã làm thế nhiều lần và mình thấy hạnh phúc!

Thế rồi, sau một thời gian dài suy nghĩ và đắn đo, mình đã lén chồng mình, gom hết số tiền mình dành dụm được để mua tặng anh ấy một món quà.

Ngày Valentine. Mình đã tặng anh món quà với tất cả tình yêu và ... số tiền còn lại đã được quy đổi thành hiện vật.  Anh đã vô cùng ngạc nhiên và hạnh phúc. Đôi mắt anh lấp lánh những niềm vui ...


Hai ngày sau ...

Khi hai vợ chồng ở bên nhau, mình đã thú nhận với chồng mình rằng mình đã có một việc làm mà mình rất ân hận và mình mong anh hãy thật bình tĩnh lắng nghe mình. Mình đã nói với anh, đại loại rằng "Anh ơi, bây giờ em rất ân hận, em cũng không hiểu sao mình lại làm thế. Thật tình em ân hận lắm và em mong anh hãy ... thông cảm cho em". Trên suốt dọc đường đi, anh ấy đã im lặng lắng nghe mình nói và anh cũng im lặng sau khi mình dứt lời ... Một khoảng im lặng kéo dài ... vài mét ... Và mình quyết định phá tan bầu không khí ấy bằng lời thú tội:"Anh biết không, em đã rất dại trai vì em đã vét hết số tiền mình có để mua nhẫn tặng ... anh đấy."  (Câu này đại ý là giờ em hết tiền rồi và anh phải đưa tiền cho em tiêu nhé) 

P/S: Túm lại, mình có dại trai không?

(16/2/2011)

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Lớp học của bé Phương

Lớp học của bé Phương
Có đến những bốn trò
Nào Cún, Gấu Misa
Nào búp bê, bạn Mèo.

Hôm nay Phương đến lớp
Điểm danh lại học trò
Cún con làm lớp trưởng
Dõng dạc hô: "Có 3".

Phương định hôm nay sẽ
Dạy cho lớp phép trừ
Nhưng búp bê vắng mặt
Phương cùng trò đến thăm.

Cô búp bê phụng phịu
Không đến lớp là do
Hôm qua Phương quên tắm
Cho cô nàng nên nay ...

Nghe thế Phương mỉm cười
Ríu ra xin lỗi ..."bạn"
Còn Cún con và Gấu
Hừ, đúng là nữ nhi.

Nhưng đâu ai hay biết
Phương tủm tỉm cười thầm
Chà, sao cô nàng giống
Hệt bé Phương vậy cà!.

(8/8/2000)

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Bão nào cũng đau

Ồ hay nhỉ, chuyện cứu trợ nhân dân
Các ông ko lo được, để người dân khắp nơi kêu gọi nhau nhường cơm sẻ áo
Lá rách ít đùm lá rách nhiều
Người Việt mình ai chẳng biết phải không?

Các ông nghĩ sao khi thấy chính những người dân
Của thôn mình, xã mình đã oằn mình chịu đau trong bão lũ
Mất mát, tan thương, nỗi đau chồng chất
Chưa kịp lắng thương đau đã gánh tiếp bão lòng.

Hàng cứu trợ cho dân được quyên góp từ khắp mọi nơi
Và họ mong mỏi được kịp thời về tay người nhận
Nhưng than ôi, cửa quan quyền kịp chận
Họ mặc xác dân đói - khổ - đắng lòng.

Suất quà cho dân được bán để phân chia
Hay để xây dựng nhà văn hóa như các ông nói nhỉ
Hay là để trả tiền vận chuyển
Dẫu thế nào các ông cũng đã mất lòng nhân.

Các ông tham, tham đến tận cùng
Vô cảm quákhi ăn chia hay để dựng xây nhà văn hóa
Nhưng các ông ạ, tôi không tin những điều ông nói
Lý trí bảo tôi, các ông ăn chia quen rồi, tâm-đức rỗng rồi, hết lòng nhân rồi nên mới thế.
Than ôi.

Quảng Bình quanh năm luôn gánh bão, thiên tai
Năm nay bão “ùa” về nhiều quá
Vừa qua bão thiên tai, lại nỗi đau mất Bác
Giờ thêm bão quan tham càn quét chính quê nhà.

Cơn bão nào cũng để lại xót xa
Bão thiên tai là điều không tránh khỏi
Nhưng bão quan tham không lẽ nào dân ta bất lực
Phải chiến đấu đến tận cùng để trị bọn chúng thôi.

02/11/2013

Bài được viết một mạch sau khi đọc tin này: